VÀI ĐIỂM MỚI PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TY CỔ PHẦN TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 (Phần 1)

06.06.2023

Ngày 17 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 được coi là có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn gia nhập thị trường nói riêng và trong quá trình đầu tư, kinh doanh nói chung. Trong đó, những điểm mới về tổ chức và quản lý công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật doanh nghiệp năm 2014 là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm, hiểu rõ để vận dụng trong thực tiễn doanh nghiệp.

Close up lawyer businessman working or reading lawbook in office workplace for consultant lawyer concept.

Mô hình tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 137 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, trừ trường hợp có quy định khác trong pháp luật về chứng khoán, công ty cổ phần có thể được tổ chức và hoạt động theo một trong hai mô hình: (1) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; (2) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán (Luật Doanh nghiệp 2014 gọi là “Ban kiểm toán nội bộ”) trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Ủy ban kiểm toán quy định chi tiết tại Điều 161. Mô hình thứ nhất khác mô hình thứ hai chủ yếu bởi sự có mặt của Ban kiểm soát.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật và quy định cụ thể trong Điều lệ. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Tiêu chuẩn, điều kiện đối với Giám đốc/Tổng Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên
Khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm tiêu chuẩn, điều kiện đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước, theo đó, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ; Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.
Khoản 2 Điều 168 Luật Doanh nghiệp 2020 làm rõ hơn nguyên tắc miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng Ban kiểm soát là nguyên tắc đa số (trước đây chỉ áp dụng đối với trường hợp bầu); Mở rộng các chuyên ngành đào tạo đối với một cá nhân để có thể đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban kiểm soát và Kiểm soát viên như kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (trước đây phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty).
Bên cạnh đó, Kiểm soát viên của công ty đại chúng, của doanh nghiệp nhà nước còn phải đáp ứng điều kiện “không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty”.
Quyền của cổ đông
Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung tăng thêm quyền của cổ đông, tăng thêm cơ chế kiểm soát và làm rõ tính chịu trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan trong quản lý và điều hành hoạt động của công ty cổ phần, có căn cứ pháp lý rõ ràng cho các hoạt động khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán. Theo đó, cổ đông được yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty. Các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm.
Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông phổ thông đối với việc “Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.”
Quyền của Đại hội đồng cổ đông
Khoản 2, Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung cho Đại hội đồng cổ đông quyền quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ, quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập, quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 điều chỉnh và làm rõ hơn quyền của Đại hội đồng cổ đông trong việc miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị. Đối với trường hợp miễn nhiệm khi có đơn từ chức của một thành viên Hội đồng quản trị thì đơn đó cần có sự chấp thuận; Trường hợp thành viên Hội đồng quản trị “không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng” sẽ bị bãi nhiệm (thay vì miễn nhiệm theo quy định trước đây); Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nếu xét thấy cần thiết.
Quyền của Hội đồng quản trị
Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung phạm vi quyền quyết định của Hội đồng quản trị đối với trường hợp thông qua giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty; Bổ sung và làm rõ thêm quyền quyết định “tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác” đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý; Bổ sung quyền ban hành “Quyết định” (trước đây chỉ có Nghị quyết).
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định Biên bản họp của Hội đồng quản trị cần ghi rõ “vấn đề đã được thông qua và tỷ lệ biểu quyết thông qua tương ứng”. Trong trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp của Hội đồng quản trị nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 158 thì biên bản này có hiệu lực. Những người ký tên trong biên bản đồng chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của nội dung biên bản họp Hội đồng quản trị. Đây là một sửa đổi rất đáng ghi nhận của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.
Quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị
Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung nội dung Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng và công ty cổ phần là doanh nghiệp Nhà nước không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc; Bổ sung quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong việc “triệu tập, chủ trì và làm chủ toạ” cuộc họp của Hội đồng quản trị; Quy định chi tiết các trường hợp bầu người thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị; Điều chỉnh nội dung “Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm thư ký công ty” (trước đây quy định “Chủ tịch Hội đồng quản trị tuyển dụng thư ký công ty”, gây nhầm lẫn, chồng chéo về việc tuyển dụng nhân sự vốn thuộc phạm vi quyền của Tổng Giám đốc). Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng kết cấu lại các quyền và nghĩa vụ của Thư ký công ty theo hướng tinh gọn, rõ ràng hơn.
Trách nhiệm của người quản lý công ty
Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thay cụm từ “nghĩa vụ” bằng cụm từ “trách nhiệm”; đồng thời bổ sung và làm rõ trách nhiệm của người quản lý công ty. Theo đó, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác không được “lạm dụng địa vị, chức vụ” để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, trường hợp vi phạm thì phải “chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba”; Làm rõ hơn nội dung thông tin thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác cần thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty thay vì quy định chung chung như Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Về cơ bản, các quy định về tổ chức và quản lý công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 giống với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Với một số sửa đổi, bổ sung mới tương đối phù hợp sẽ tạo điều kiện cho mô hình công ty cổ phần ở Việt Nam phát triển hơn, nhất là những điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần, định danh cơ quan cho phù hợp để tránh nhầm lẫn, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, cơ quan trong công ty cổ phần để tránh chồng chéo hoặc không đúng thẩm quyền… Những thay đổi này đã đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ hơn giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 với các quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và quy định về doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công ty cổ phần trong tổ chức và quản lý doanh nghiệp.

Bài: Thanh Thảo